>> Phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại Hợp đồng
>> Tư vấn soạn thảo Hợp đồng Kinh tế
>> Luật sư Tư vấn giải quyết tranh chấp Hợp đồng
1. Chủ thể hợp đồng
Chủ thể hợp đồng hoặc là cá nhân hoặc là pháp nhân. Vấn đề nhân thân của cá nhân là thông tin ưu tiên số một trong nội dung này. Tuy nhiên, vấn đề pháp nhân sẽ còn phức tạp hơn và cần các giấy tờ kiểm chứng kèm theo như: Giấy chứng nhận đang ký kinh doanh, Mã số thuế, Giấy ủy quyền (nếu có)…
Vấn đề chủ thể hợp đồng được lưu ý hàng đầu vì liên quan đến tư cách của chủ thể ký hợp đồng từ đó ảnh hưởng đến quyết định có thể tuyên hợp đồng vô hiệu hay không |
Lưu ý: Về trường hợp ủy quyền, mặc chúng ta có thể thực hiện những gì mà pháp luật không cấm và cụ thể luật cho phép người có quyền được phép ủy quyền lại cho một người khác nhưng lại không cấm người được ủy quyền được phép ủy quyền lại cho người thứ ba, tuy nhiên trên thực tế, trường hợp ủy quyền ba lần không có bất cứ “án lệ” nào chấp nhận trường hợp này do đó khi giao dịch hợp đồng cần tránh trường hợp ủy quyền ba lần trở lên vì văn bản ủy quyền có nguy cơ bị tuyên vô hiệu từ lần ủy quyền thứ ba trở đi.
>> Tham khảo Hợp đồng Góp vốn kinh doanh
2. Định nghĩa- giải thích
Điều khoản này thường được nêu ở điều đầu tiên của Hợp đồng , nhằm làm sáng tỏ những ngữ nghĩa dễ gây hiểu lầm hoặc dẫn đến tranh chấp hoặc đơn giản là định nghĩa những câu chữ “sẽ được hiểu như vậy” trong hợp đồng này. Thông thường đối với các Hợp đồng có giá trị lớn hoặc phức tạp thì điều khoản về “Định nghĩa – giải thích” hợp đồng là không thể thiếu.
>> Tham khảo: Hợp đồng thi công xây dựng
3. Nội dung hợp đồng
Nội dung hợp đồng là điều khoản khái quát về những gì các bên thỏa thuận trong Hợp đồng. Nôi dung hợp đồng có thể làm căn cứ để xác định những trách nhiệm “đương nhiên” của mỗi bên khi thực hiện hợp đồng đồng thời chỉ ra được đối tượng hợp đồng mà các bên đang hướng đến
Ví dụ: Bên A đồng ý cho Bên B thuê nhà tại địa chỉ xyz; Như vậy, đối tượng của hợp đồng là căn nhà cho thuê tại chỉ xyz mà theo đó, trách nhiệm “đương nhiên” của Bên A là đăng ký cho cho Bên B tạm trú tại địa chỉ trên dưới sự hỗ trợ và cung cấp thông tin của Bên B
Nội dung hợp đồng có thể bao gồm cả thời hạn hợp đồng (Ví dụ: Thời hạn cho thuê) hoặc điều khoản này được tách riêng tùy theo từng hợp đồng và ý chí của các bên
4. Giá và phương thức thanh toán
Giá hoặc giá trị của hợp đồng được quy định tại điều khoản này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Điều khoản giá không tồn tại do các bên lập “Hợp đồng cơ bản/Hợp đồng khung” và giá trị các giao dịch dựa trên các hóa đơn chứng từ. Trường hợp này hợp đồng vẫn được xem xét về giá trị dựa trên những giấy tờ các bên đưa ra chứ không chỉ dựa trên bản Hợp đồng.
Lưu ý: Giá, tiền đặt cọc và bất cứ khoản nào đều phải được ghi và thanh toán bằng Việt Nam Đồng. Vì theo Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối, việc quy định giá bằng USD (ngoại tệ) và thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam trên cơ sở tỷ giá của bất kỳ ngân hàng nào đều bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam.
Phương thức thanh toán phải bao gồm các thông tin cần thiết về thanh toán cũng như tiến độ thanh toán của bên có nghĩa vụ. Tiến độ thanh toán cần chính xác về thời gian hoặc khoản thời gian nhất định (Lưu ý về ngày làm việc và ngày nghỉ lễ khi lập hợp đồng).
Trong mọi trường hợp, các bên đều muốn nắm lợi thế về phía mình do đó tiến độ thanh toán đến một mức độ nhất định sẽ còn một bên nắm giữ phần giấy tờ và bên còn lại giữ lại một phần trong giá trị phải thanh toán nhằm bảo đảm các bên thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến bước cuối cùng. Tuy nhiên đó chỉ là một trong những biện pháp hạn chế tối đa rủi ro chứ không phải là điều khoản đảm bảo hoàn toàn. Trên thực tế, vấn đề hồ sơ, giấy tờ đã bàn giao nhưng tiền vẫn chưa chuyển khoản và ngược lại vẫn thường xảy ra.
Ví dụ: Bên A bán cho Bên B mảnh đất Y. Thông thường Bên A sẽ làm thủ tục mua bán nhà, chuyển tên sổ đỏ và đóng thuế. Bên B giữ lại 10% cuối cùng giá phải thanh toán cho đến khi Bên A giao cho Bên B Biên lai đã nộpthuế trước khi Bên B trực tiếp đi nhận sổ đỏ tại cơ quan nhà nước.
Trong điều khoản này có thể bao hàm cả điều khoản về Đặt cọc và phạt cọc nếu như giao dịch cần dùng đến biện pháp bảo đảm này. Ngoài ra, trong những hợp đồng lớn, các bên có thể yêu cầu thêm vào khoản Tạm ứng trong Điều khoản liên quan về giá. Mục đích của việc tạm ứng là duy trì và hỗ trợ cho bên còn lại thực hiện các công việc theo đúng tiến độ.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Căn cứ vào các điều khoản về nội dung và giá trị hợp đồng, đồng thời dựa trên những quyền lợi chính đáng mà các bên đã thỏa thuận với nhau để quyết định về điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên. Điều khoản này có thể lăp lại những nghĩa vụ và cam kết của các bên tại các điều khoản trước và nêu thêm các điều khoản ràng buộc nếu các bên xét thấy cần thiết.
>> Tham khảo: Hợp đồng Liên danh
6. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Nhằm đảm bảo cho việc thực hiện đúng theo thỏa thuận, các bên nên thỏa thuận về điều kiện phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại. Căn cứ Luât Thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm và chỉ được phạt vi phạm nếu điều này được quy định trong hợp đồng. Cũng theo Luật này, nếu có thỏa thuận phạt vi phạm thì các bên có thể áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Lưu ý: Theo BLDS 2015 (Sẽ có hiệu lực từ 01/01/2017) thì nếu các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Do đó, vẫn khuyến khích người soạn thảo hợp đồng nên làm rõ cả hai vấn đề trên bằng các điều khoản và câu chữ.
Vấn đề phạt vi phạm có thể áp dung song song với việc tiếp tục hợp đồng nếu trường hợp vi phạm không rơi vào điều kiện được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
>> Tham khảo: Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
7. Chấm dứt hợp đồng
Thông thường các bên chỉ lưu ý các điều khoản ràng buộc nhau nhưng thường quên việc quy định về thời gian hoặc điều kiện để chấm dứt hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đây là một điều khoản khá quan trọng khi liên quan đến các vấn đền phải thực hiện theo từng giai đoạn hoặc dựa trên kết quả thực hiện như Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng hợp tác kinh doanh,....
Việc chấm dứt hợp đồng được áp dụng khi một trong các bên có những vi phạm cơ bản theo hợp đồng khiến cho bên còn lại không thể đạt được mục đích ban đầu. Ngoài ra, có thể bên vi phạm vi phạm những cam kết tuy không cơ bản nhưng bất hợp lý và có ảnh hưởng đến tiến độ hoặc các quá trình làm việc của bên thứ ba.
Ví dụ: Bên A nhận thi công công trình cho Bên B nhưng Bên A bỏ dở công trình suốt 5 ngày liên tục không có lý do chính đáng thì Bên B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng vì tính bất hợp lý trong thực hiện công việc gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.
Điều khoản chấm dứt hợp đồng còn là một điều khoản giải thoát nếu như trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về thời gian hợp đồng có hiệu lực hoặc đó là sự cố ý ràng buộc lâu dài với nhau thì đơn phương chấm dứt hợp đồng là một cách giải phóng cho bên có mong muốn.
Lưu ý : Nên thỏa thuận thuận việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dù có phù hợp với những điều kiện mà hợp đồng đã quy định vẫn phải thông báo cho bên còn lại bằng văn bản, nếu không thông báo mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
8. Điều kiện bảo mật
Mọi vấn đề về nhân thân hoặc cơ chế hoạt động, quản lý của pháp nhân hoặc các vấn đề về độc quyền đều phải được các bên cam kết bảo mật trong suốt quá trình giao kết hợp đồng và thậm chí là điều khoản có hiệu lực mãi mãi nếu có liên quan về sở hữu trí tuệ.
9. Bảo hành
Bảo hành được áp dụng đối với việc bảo đảm chất lượng hàng hóa và chất lượng công trình. Trong thời gian bảo hành, bên bảo hành phải đảm bảo sửa chữa, thay thế và chịu mọi chi phí khi chất lượng của đối tượng hợp đồng không đạt được như thỏa thuận. Thời gian bảo hành thông thường là 12 tháng và thường là thời gian mà bên được bảo hành còn giữ lai từ 5% đến 10% giá trị phải phải thanh toán nhằm buộc bên có trach nhiệm bảo hành thực hiện nhiệm vụ bảo hành và giải quyết tốt những công việc cuối cùng theo hợp đồng.
10. Giải quyết tranh chấp
Các bên thỏa thuận chọn con đường Tòa án hoặc Trọng tài nếu tranh chấp xảy ra. Đồng thời các hợp đồng quốc tế lưu ý về việc chọn luật điều chỉnh ngay từ khi ký kết hợp đồng nhằm tránh các rắc rối về sau trong việc chọn hoặc phải tuân theo sự điều chỉnh của pháp luật nước nào.
11. Thỏa thuận chung
Thỏa thuận chung là thỏa thuận cuối cùng, nêu lên việc các bên đã hiểu và nắm rõ những quy định trong hợp đồng. Bản hợp đồng sẽ được viết bằng bao nhiêu ngôn ngữ, ngôn ngữ nào sẽ giá trị khi giải quyết trannh chấp và lập thành bao nhiêu bản dưới sự quản lý của những bên nào ( Bên A, Bên B, Công chứng viên...). Các vấn đề phụ lục và hiệu lực (nếu có).
Danh sách các điều khoản cơ bản trong hợp đồng
1. Định nghĩa- Giải thích
2. Nội dung hợp đồng ( àThời hạn hợp đồng)
3. Giá và phương thức thanh toán (àĐặt cọc và phạt cọc)
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
5. Phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại
6. Chấm dứt hợp đồng
7. Điều kiện bảo mật
8. Bảo hành
9. Điều kiện đặc thù (Bảo lãnh; Bảo hành; Chống cạnh tranh; Cam kết kết quả, tiến độ; Chống lôi kéo nhân sự...)
10. Giải quyết tranh chấp
11. Thỏa thuận chung
---
Bản quyền thuộc về LuatsuHopdong.net
>> CÁC DỊCH VỤ LUẬT SƯ HỢP ĐỒNG
>> Liên hệ LuatsuHopdong.net
0 comments:
Post a Comment